close

TẬP ĐOÀN KIM TÍN: "TỪ KHÔNG CÓ VÉ GỬI XE VÀO MỸ" ĐẾN CUỘC CHINH PHỤC "THẾ GIỚI NHỎ" THEO CÁCH RIÊNG CỦA MÌNH

Ngày đăng:

Fabtech, triển lãm lớn nhất thế giới về ngành vật liệu hàn, diễn ra tại Atlanta (Mỹ) năm 2006 ghi nhận một sự kiện đặc biệt: Lần đầu tiên có gian hàng đến từ một doanh nghiệp Việt Nam - gian hàng của Tập đoàn Kim Tín. Nhiều người trong số 21.000 đại biểu tham dự triển lãm đã rất bất ngờ bởi với họ, ấn tượng lớn nhất về Việt Nam khi ấy vẫn là tên một cuộc chiến.

"Cảm xúc khi lá cờ Việt Nam được cắm tại triển lãm quốc tế lúc đó thật sự rất tự hào. Nhiều người không nghĩ rằng Việt Nam có doanh nghiệp mang sản phẩm sang Mỹ triển lãm", ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch tập đoàn nhớ lại.

Nhưng cùng với niềm tự hào ấy là một sự thật nhanh chóng được nhận ra: Sản phẩm của Kim Tín có 0% cơ hội bán vào Mỹ. "Không có vé gửi xe" là hình ảnh lãnh đạo tập đoàn ví von khi chất lượng sản phẩm ở thời điểm đó chưa ổn; chưa có các chứng nhận, đăng kiểm; uy tín mới trong giai đoạn xây dựng... "Nhưng chúng tôi không choáng váng mà nhìn quanh để tìm kiếm động lực, để biết mình đang ở đâu", người đứng đầu doanh nghiệp nói.


Hình ảnh về gian hàng của Kim Tín tại Fabtech 2006 - nơi khơi nguồn cho những quyết tâm tiến ra thị trường thế giới.

Một trong những chi tiết gây ấn tượng với lãnh đạo Kim Tín ở thời điểm đó là khẩu hiệu đặt tại gian trưng bày của Tập đoàn Hyundai: “Số 1 về dây hàn lõi thuốc vào năm 2020”. Lúc ấy, dù đã là một thế lực trong ngành hàn và công nghiệp nặng tại châu Á, cũng như đang cạnh tranh trực tiếp tại thị trường Việt Nam, nhưng so với những đối thủ có hàng trăm năm lịch sử đến từ Mỹ và châu Âu như Lincoln, Hobart hay ESAB... thì đại diện Hàn Quốc vẫn là cái tên mới mẻ. Dù vậy, việc họ hoạch định trước vị thế cho cả một giai đoạn 14-15 năm và công bố nó với thế giới là điều khiến lãnh đạo Kim Tín suy ngẫm.

"Chúng tôi tự thấy mình hết sức nhỏ bé, mong manh nhưng khát vọng thì vô cùng lớn. Ước vọng xuất hiện trong đầu lúc đó là Kim Tín sẽ trở lại và chinh phục thị trường Mỹ", lãnh đạo Kim Tín tự hứa.

"Việt Nam nhỏ. Thế giới cũng nhỏ. Chúng ta có thể chinh phục nó theo cách của mình!"

Thành lập năm 2000 với xuất phát điểm là một đơn vị kinh doanh thương mại, Kim Tín sớm nhận thấy giá trị của sản phẩm do chính người Việt làm ra, nhưng thị trường không thể chỉ bó hẹp ở nội địa.

Ngay sau khi đạt được thị phần khoảng 20% trong nước, lãnh đạo Kim Tín đã tính toán rằng những cột mốc như 35% và thậm chí cao hơn nữa rồi sẽ đạt được. Xuất khẩu là con đường duy nhất nếu không muốn dừng lại rồi thụt lùi.

Cùng với năng lực sản xuất, ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng nhận ra rằng nếu không áp dụng những hệ thống quản lý, tiêu chuẩn tiên tiến thì chất lượng hàng hóa không được đảm bảo dù chỉ cung cấp cho thị trường nội địa.

Trở về từ triển lãm năm ấy, lãnh đạo Kim Tín quyết định thành lập nhà máy ở Hưng Yên với mục tiêu gia tăng năng lực đáp ứng về sản lượng và áp dụng rất nhanh hệ thống quản lý tiên tiến như hệ thống KPI, hệ thống ISO... vào nhà máy mới. Sau này, Kim Tín cũng nâng những tiêu chuẩn này lên thành bộ tiêu chuẩn năng lực đáp ứng - bao gồm tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ chứ không chỉ đơn thuần là năng lực sản xuất hay năng lực kiểm soát chất lượng riêng rẽ. Vào năm 2008, Kim Tín trở thành một trong những doanh nghiệp tiên phong áp dụng hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) cũng như tiên phong thuê đơn vị tư vấn, kiểm toán... để đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh tới gần hơn với tiêu chuẩn thế giới.

Mọi sự đổi mới luôn đòi hỏi nguồn lực lớn nên ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng dành nhiều thời gian, tâm sức thuyết phục HĐQT và cổ đông đầu tư cho hệ thống quản trị tiên tiến, bởi nếu hạch toán thành chi phí thì sẽ lập tức tác động đến kết quả kinh doanh. Sau nhiều thảo luận, ban lãnh đạo quyết định nhìn nhận đây là một khoản đầu tư cho tương lai. Nhờ vậy sau nhiều năm kiên trì thực hiện, hệ thống quản trị bài bản đã giúp Kim Tín tiết kiệm trong sản xuất, chất lượng sản phẩm được nâng cao và đồng đều hơn. Đến nay, tập đoàn gần như có đầy đủ tất cả chứng nhận đăng kiểm của các hiệp hội hàn trên thế giới, cũng như những quốc gia mà sản phẩm được xuất khẩu tới như Mỹ, EU, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Phi, Hàn Quốc và Nhật Bản…

Năng lực của doanh nghiệp cũng được thể hiện bằng con số khi Kim Tín đã nâng quy mô sản xuất từ 15.000 tấn vào năm 2006 lên mức 170.000 tấn/năm hiện nay. Từ chỗ “không có vé gửi xe” vào thị trường Mỹ, đến nay nếu tính cả các sản phẩm vật liệu hàn OEM, Kim Tín đã cung cấp khoảng 35% sản lượng vật liệu hàn nhập khẩu vào thị trường này mỗi năm. Tính chung trên quy mô toàn cầu, Kim Tín hiện chiếm khoảng 2% thị phần – một con số biết nói mà doanh nghiệp có quy mô lớn hơn trong những ngành khác chưa chắc đã đạt được.

“Sau hơn 20 năm vận hành theo cách luôn tự đặt ra cho mình những mục tiêu thách thức, chúng tôi thấy rằng thị trường Việt Nam là nhỏ. Nếu giữ hướng đi như vậy thì ngay cả thị trường thế giới cũng là nhỏ, chúng ta hoàn toàn có thể chinh phục nó theo cách của mình. Chúng tôi lại đang đặt cho mình một mục tiêu mới là nắm giữ 3-5% thị phần toàn cầu vào năm 2025”, ông Nguyễn Tiến Hải nói.

Doanh nghiệp sản xuất đa ngành

Những năm 2008 trở về trước, đối tác và cũng như người tiêu dùng thường chỉ biết đến Kim Tín với tư cách một nhà sản xuất vật liệu hàn, nhưng ít người biết rằng khởi đầu của doanh nghiệp lại là một công ty thương mại. Chính cái "gốc" thương mại này đã phần nào tạo nên những sức mạnh cốt lõi, góp phần vào thành công của tập đoàn sau này: khả năng tạo dựng kênh phân phối hiệu quả cũng như nắm bắt nhu cầu của thị trường.

Sau 2 thập kỷ hoạt động, Kim Tín đã xây dựng thành công hệ thống kênh bán hàng hoàn thiện, từ B2C, B2B đến mô hình đa kênh Omni-channel. Từ 2018, tập đoàn chính thức bước chân vào kênh thương mại điện tử để bắt kịp xu thế của thời đại.

Tại nội địa, hiện lãnh đạo Kim Tín tự hào rằng khách hàng ở đô thị chỉ cần đi trong bán kính 1 km là có thể mua được sản phẩm của mình: “Nhiều nơi, sản phẩm thân thuộc đến nỗi người trong nghề họ hay nói với cửa hàng rằng muốn mua “một thùng Kim Tín” chứ không phải một thùng que hàn”, một quản lý bán hàng cấp trung kể lại.

Cũng từ hệ thống bán hàng này mà lãnh đạo Kim Tín nhận ra rằng nếu chỉ dừng lại ở sản xuất vật liệu hàn thì rất hạn chế, không tối ưu chi phí cũng như tận dụng được ưu thế của mạng lưới phân phối. Khi ấy, tập đoàn bắt đầu bổ sung thêm các mặt hàng mới như ngũ kim, kim loại màu và gỗ (ván MDF), dụng cụ cầm tay… vào rổ sản phẩm.

Nhờ có mạng lưới phân phối hoàn thiện, doanh nghiệp dễ dàng đưa các sản phẩm mới tiếp cận khách hàng, nắm bắt thị hiếu và nhu cầu thị trường. Từ đó, Kim Tín sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển những sản phẩm có tiềm năng và đầu tư sản xuất chính thức trong nhà máy của mình hoặc đặt hàng đối tác OEM.

“Chúng tôi bắt đầu mỗi sản phẩm như một startup. Startup có thể thành công, cũng có thể đón nhận thất bại. Thành công thì đi tiếp, thất bại thì là bài học lớn cho chúng ta sau này”, lãnh đạo tập đoàn chia sẻ.

Sở hữu công ty logistics giúp Kim Tín rất nhiều trong việc tự chủ hệ thống phân phối.

Kim Tín cho rằng khi quy mô kinh doanh càng lớn và cần mở rộng thì hệ thống quản lý cũng phải  theo kịp; đội ngũ lạnh đạo cần được đào tạo, nâng cấp thường xuyên; hệ thống nhân viên cũng cần được trau dồi và đánh giá. Chính vì vậy mà quá trình “tiến hóa” cần diễn ra liên tục, các bộ phận được chuyên môn hoá sâu ở tất cả các công đoạn từ công ty sản xuất, công ty thương mại, công ty đầu tư và công ty logistics..., giúp bộ máy hoạt động thanh thoát, giảm được áp lực cho lãnh đạo cấp cao và cấp trung.

Chính điều này đã giúp Kim Tín vững vàng vượt qua đại dịch Covid-19. Khi dịch bệnh ập tới, khiến lực lượng sản xuất tại chỗ có lúc giảm xuống mức 40% so với thông thường, trong khi vẫn phải đảm bảo yêu cầu giao hàng theo tiến độ đề ra. Lãnh đạo tập đoàn thừa nhận dù có ảnh hưởng trước mắt song Covid-19 giống như một lần diễn tập, đẩy doanh nghiệp vào những tình huống trạng thái khó khăn nhất. Khi trải qua đợt dịch này, Kim Tín đã học được thêm những bài học, có đủ sức mạnh vượt qua những khó khăn trong tương lai với tâm thế chủ động và bình thản hơn.

Hơn 20 năm thành lập và cũng 15 năm kể từ ngày rời triển lãm tại Atlanta với "khát vọng vô cùng lớn", Kim Tín hiện đã bước vững chắc ra thị trường thế giới và có đủ sức cạnh tranh với những đối thủ đến từ Trung Quốc, EU, Bắc Mỹ hay Nam Mỹ. Bài học được ban lãnh đạo tập đoàn rút ra là hành trang không thể chỉ có lòng dũng cảm và tính kiên cường của người Việt Nam. Đó còn phải là chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ và khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp ở thị trường mục tiêu. Cùng với đó là việc phải liên tục đổi mới công nghệ, năng lực quản trị. Mới đây, Kim Tín đã quyết định đầu tư 5 triệu USD cho dự án chuyển đổi số toàn diện, sẵn sàng cho những bước phát triển nhảy vọt trong tương lai.

"Khi đi thăm khách hàng, nhìn thấy thương hiệu Việt xuất hiện trên kệ siêu thị, trong nhà máy lớn, có tiếng tại Mỹ, châu Âu... cảm giác rất tự hào và hãnh diện. Nhưng đồng thời điều này cũng làm nặng hơn trách nhiệm của Kim Tín trong việc bồi đắp cho thương hiệu Việt trong mắt người tiêu dùng thế giới, làm sao ngày càng thân thiện và có uy tín hơn. Đó là điều chúng tôi tâm niệm khi làm bất cứ sản phẩm nào", Chủ tịch HĐQT Nguyễn Tiến Hải khẳng định.

Theo Người Đồng Hành

 
arrow_upward
 
 
phone